1. Quan hệ chính trị – ngoại giao.

Việt Nam và CHLB Đức lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Việt Nam lập quan hệ ngoại giao với CHDC Đức ngày 03/02/1955 và quan hệ tốt đến khi thống nhất nước Đức. 

Sau khi lập quan hệ ngoại giao năm 1975, hai nước đã triển khai một số bước phát triển quan hệ như trao đổi đoàn, chuẩn bị đàm phán hiệp định hợp tác KHKT, xây dựng một số dự án, v.v… Từ năm 1990, quan hệ Việt Nam và CHLB Đức phát triển nhanh, chuyển biến sâu sắc cả về chất và lượng. Hai bên thúc đẩy trao đổi nhiều đoàn cấp cao, hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, kinh tế, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, an ninh, v.v… Để tạo khuôn khổ cho hợp tác, Việt Nam và CHLB Đức đã ký Hiệp định hợp tác Văn hóa (1990), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1993), Hiệp định hợp tác hàng không (1994), Hiệp định hợp tác hàng hải (1995), Hiệp định nhận công dân trở lại (1995), Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (1996), Hiệp định Hợp tác Khoa học-Kỹ thuật (1999).

Tháng 10/2011, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Angela Merkel, hai nước ký Tuyên bố Hà Nội về thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược vì tương lai“.

Hai nước liên tục tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao giữa cơ quan đảng, Chính phủ và Quốc hội cũng như giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học. Theo Tuyên bố Hà Nội, hai nước thành lập Nhóm điều hành chiến lược do Thứ trưởng Ngoại giao của hai nước đồng chủ trì. Phiên họp thứ nhất Nhóm điều hành chiến lược Việt-Đức diễn ra tại Berlin vào ngày 10/9/2012.

Việt Nam và Đức có quan điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế lớn như toàn cầu hóa, chống khủng bố, cải cách Liên hợp quốc…; ủng hộ lẫn nhau khi ứng cử vào các vị trí tại các diễn đàn đa phương. Đức ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, tăng cường quan hệ mọi mặt với Châu Âu và EU. Việt Nam ủng hộ Đức tích cực tham gia hợp tác khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương, hợp tác Đức- ASEAN.

Đức tích cực hỗ trợ Việt Nam cải cách, hoàn thiện pháp luật, tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền. Tháng 2/2008, hai nước ký Tuyên bố chung về hợp tác pháp luật và tư pháp. Tháng 4/2012, Bộ Tư pháp hai nước ký Tuyên bố chung về Đối thoại nhà nước pháp quyền giai đoạn 2012-2014.
 
2. Hợp tác kinh tế.

2.1. Thương mại

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Châu Âu, chiếm khoảng 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Năm 2011, tổng giá trị trao đổi thương mại hai nước đạt 5,564 tỷ USD, tăng 35,2% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,366 tỷ USD, tăng 41,9 % và nhập khẩu của Việt Nam từ Đức đạt 2,198 tỷ USD, tăng 26,2 %.

Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất sang Đức là giày dép, dệt may, cà phê hạt, đồ gỗ, thủy sản, đồ da, điện tử. Đức là thị trường xuất khẩu cà phê hạt và hạt tiêu đen lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam nhập từ Đức chủ yếu là máy móc, thiết bị.

Thương mại Việt Nam- Đức những năm gần đây

vietnamgerman.PNG
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Đức.

2.2. Đầu tư.

Đến hết năm 2011, Đức có 290 công ty đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với 180 dự án FDI có tổng vốn đăng ký 902 triệu USD, đứng thứ 24 trên 94 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng năm 2011, Đức có thêm 14 dự án FDI  với tổng vốn đăng ký 52 triệu USD. Trên 3/4 tổng số dự án và 2/3 tổng số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung chủ yếu ở các ngành Đức có thế mạnh và khả năng cạnh tranh cao như ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, công nghệ phần mềm và thông tin truyền thông, dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm. Hiện có 26 tỉnh, thành của Việt Nam đã tiếp nhận các dự án đầu tư của Đức nhưng chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai. Một số tập đoàn lớn của Đức đã có dự án đầu tư tại Việt Nam như Metro, Siemens, Deutsche Bank, Bayer, Bosch, BASF, v.v…

Dự án hải đăng giữa hai nước trong lĩnh vực đầu tư hiện nay là dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 ở TP. Hồ Chí Minh. Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký thỏa thuận tài trợ 1,2 tỷ USD cho dự án tàu điện ngấm số 2, trong đó KfW đóng góp 240 triệu Euro (bao gồm cả hỗ trợ 85,7 triệu Euro của Chính phủ Đức).

Việt Nam hiện có một số dự án đầu tư tại Đức với tổng vốn đầu tư khoảng 15,5 triệu Euro như dự án “Ngôi nhà Việt” (Viethaus) của Công ty dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), chi nhánh của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tại Frankfurt và Berlin. Ngoài ra, có khoảng 8.000 doanh nghiệp của cộng đồng người Việt tại Đức. Một số trung tâm thương mại do người Việt đầu tư tại các thành phố ở Đức (Berlin, Magdeburg, Leipzig, Erfurt…) hoạt động nhiều năm nay, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương.

2.3. Hợp tác phát triển.

Đức là một trong những nước cung cấp ODA lớn và thường xuyên cho Việt Nam, xác định Việt Nam là một trong các nước trọng tâm nhận ODA Đức ở Châu Á. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã hỗ trợ khoảng 1,5 tỷ Euro cho Việt Nam. Trong năm 2011-20 12, Đức cam kết hỗ trợ Việt Nam 289,2 triệu Euro, trong đó 267 triệu Euro dưới hình thức hợp tác tài chính và 22,2 triệu Euro hợp tác kỹ thuật. ODA của Đức cho Việt Nam tập trung vào 3 lĩnh vực: (i) Phát triển kinh tế bền vững và đào tạo nghề; (ii) Bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu; (iii) Y tế.
 
3. Hợp tác giáo dục và đào tạo.

Hiện có khoảng 4.000 sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Đức. Bộ GD-ĐT đang triển khai Chương trình đào tạo 85 NCS/năm tại bang Hessen trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GD-ĐT và bang Hessen năm 2009.

Trường Đại học Việt- Đức (VGU) là dự án hải đăng trong quan hệ Việt-Đức, thành lập tháng 9/2008 tại TP. Hồ Chí Minh theo mô hình đại học tổng hợp Darmstadt của Đức. Với sự hỗ trợ của Bang Hessen và Tổ chức Trao đổi hàn lâm khoa học Đức (DAAD), từ tháng 02/2009, Đại học Việt- Đức đã hợp tác chặt chẽ với 34 trường đại học của Đức. Năm 2011, trường VGU đã đón nhận lớp sinh viên tốt nghiệp đầu tiên. Việt Nam hiện đầu tư cho trường 20 triệu USD, ký thỏa thuận với Ngân hàng thế giới (WB) vay 180 triệu USD để xây dựng cơ sở vật chất. Dự kiến, sẽ hoàn thành xây dựng VGU vào năm 2017.

Tháng 12/1997, thành lập Viện Goethe tại Hà Nội. Cuối năm 2003, Viện Goethe phối hơp với DAAD mở “Trung tâm Đức” tại TP.HCM. Năm 2008, trung tâm này chuyển thành chi nhánh của Viện Goethe tại TP.HCM. Viện Goethe tại Việt Nam tích cực thúc đẩy giao lưu văn hóa và trao đổi ngôn ngữ giữa hai nước.

Dự án dạy tiếng Đức: Năm 2007, Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Ngoại giao Đức đã ký “Thỏa thuận khung về việc đưa tiếng Đức như ngoại ngữ thứ hai vào giảng dạy thí điểm tại một số trường phổ thông ở Việt Nam”. Đến nay, đã có 12 trường phổ thông ở Hà Nội, TP. HCM và Hải Phòng triển khai chương trình dạy tiếng Đức trong khuôn khổ mạng lưới “Các trường đối tác tương lai” của Bộ Ngoại giao Đức. Ngoài ra, tiếng Đức còn được giảng dạy trong 04 trường đại học ở Việt Nam như Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học dân lập Phương Đông và Đại học KHXH nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.

Theo thỏa thuận trong Tuyên bố Hà Nội, hai nước đang trao đổi việc thành lập một trường phổ thông quốc tế Việt-Đức ở TP.HCM; Đức hỗ trợ Việt Nam xây dựng một Trung tâm đào tạo nghề có khả năng cạnh tranh quốc tế.
 
4. Hợp tác khoa học và công nghệ.

Trước năm 1995, hợp tác KHCN giữa hai nước được thực hiện chủ yếu thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ nghiên cứu với sự tài trợ của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), Quỹ khoa học trẻ Alexander & Humboldt, Quỹ đào tạo chuyên gia công nghiệp (CDG), Quỹ phát triển (DSE)… Năm 1996, Bộ KHCN và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức (BMBF) ký Nghị định thư hợp tác nghiên cứu khoa học. Hai nước hiện đang trao đổi về ký Hiệp định về hợp tác KHCN.

Về Công nghệ xử lý nước và môi trường: Đây là lĩnh vực có quy mô hợp tác song phương lớn nhất xét về số lượng dự án cũng như kinh phí của Bộ KHCN và Bộ BMBF. Theo Bản ghi nhớ ký tháng 10/2005 giữa Bộ KHCN và Bộ BMBF, Đức dành 23 triệu Euro cho chương trình hợp tác nghiên cứu này.

Công nghệ sinh học: Tháng 9/2000, Bộ KHCN và Bộ BMBF đã ký Bản ghi nhớ đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, theo đó 15 tiến sỹ khoa học của Việt Nam được Đức đào tạo đã bảo vệ thành công và hiện đang công tác tại các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước.

Quản lý nghiên cứu khoa học: Bộ BMBF đã cử chuyên gia sang công tác tại Viện Chiến lược và Chính sách KHCN để hỗ trợ triển khai dự án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KHCN“. Từ tháng 4/2008, Đức cử chuyên gia hỗ trợ Việt Nam về phương pháp đánh giá khoa học và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này.

Điện tử viễn thông: Hai nước đã có 02 hai dự án triển khai thí điểm có nhiều triển vọng: “ Xây dựng mạng AHOC di động cho quản lý giao thông, an ninh và kiến nghị ứng dụng cho thông tin cứu hộ trên biển” và “ Xây dựng nền tảng để phát triển dịch vụ mới trên các mạng thế hệ tiếp theo”.
 
5. Du lịch.

Hàng năm, có khoảng 100.000 du khách Đức thăm Việt Nam. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã mở đường bay thẳng từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đi Frankfurt và dự kiến mở đường bay trực tiếp từ Hà Nội đi Berlin sau khi Đức khánh thành sân bay Berlin- Brandenburg.
 
6. Cộng đồng người Việt Nam ở Đức.

Số người Việt Nam ở Đức hiện khoảng trên 125.000. Cộng đồng người Việt được chính giới và nhân dân Đức đánh giá hòa nhập tốt, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và đa dạng văn hóa ở Đức. Thế hệ người Việt thứ 2, 3 ở Đức được sở tại đánh giá cao trong các cộng đồng nhập cư ở Đức.

Tại Đức, các hình thức tập hợp hội đoàn của người Việt khá đa dạng như Hội người Việt Nam, Hội Đức- Việt, các hội đồng hương, câu lạc bộ sở thích- nghề nghiệp, tổ chức xã hội từ thiện, v.v… Năm 2011, Liên hiệp người Việt toàn liên bang Đức được thành lập, đại diện cho tiếng nói, lợi ích của cộng đồng người Việt tại Đức trong quan hệ với chính quyền sở tại và là cấu nối quan trọng giữa cộng đồng với quê hương./.
  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​